Nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá bán dịch vụ, sản phẩm dù giá xăng đã giảm tới 3.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh gần đây.
“Giá xăng giảm sao giá xe vẫn chưa giảm” là câu hỏi mà anh Ngọc Duy, quản lý một hãng xe khách chuyên tuyến Hà Nội – Đà Nẵng nhận được nhiều nhất từ hành khách đi xe nhà anh trong những ngày qua. Lý giải điều này, anh Duy cho biết, doanh nghiệp cũng có cái khó của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, giảm thất thường.
“Khi giá xăng tăng, khách muốn nhà xe bình ổn giá như cũ nhưng khi xăng vừa giảm, khách lại muốn giá giảm theo. Đây là tâm lý chung của khách ở mọi lĩnh vực, ngành nghề chứ không chỉ trong lĩnh vực vận tải”, anh nói.
Anh Duy cho biết, hãng xe của anh bắt đầu điều chỉnh giá vé từ ngày 15/6 sau 10 tháng không tăng giá dịch vụ vì hãng xe không còn đủ sức để bù vào giá nhiên liệu, nhân công, bến bãi khi giá xăng cứ liên tục tăng.
Cụ thể, tuyến Hà Nội – Huế tăng thêm 40.000 đồng là 350.000 đồng/người/lượt, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Hội An tăng thêm 50.000 đồng là 450.000 đồng/người/lượt.
“Giá xăng giảm 3.000 đồng/lượt không thấm vào đâu so với số tiền hãng bù lỗ trong 10 tháng qua. Với lại, chúng tôi mới điều chỉnh giá được 1 tháng nên khả năng cao giá này vẫn sẽ giữ nguyên trong tháng tới. Vì việc điều chỉnh giá cần có lộ trình dài hạn, không phải giá xăng dầu cứ tăng hay giảm là điều chỉnh ngay được”, anh tâm sự.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Lâm, chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối, sản xuất trà ở Thái Nguyên cũng đang đau đầu về câu chuyện điều chỉnh giá. Thông thường, giá dịch vụ, sản phẩm nhà anh sẽ thay đổi theo lộ trình, ít nhất là 3 tháng/lần.
Trong khoảng thời gian đó, dù giá nguyên vật liệu hay giá xăng dầu tăng thì anh vẫn giữ nguyên hợp đồng cho khách. Nếu có thay đổi, doanh nghiệp phải báo trước cho các đối tác từ 30 – 45 ngày.
“Giá xăng dầu tăng hay giảm đều có tác động đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thể điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ tăng lên hay giảm xuống theo giá xăng dầu vì giá nhiều loại hàng hóa chưa giảm theo. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ngành nghề vẫn giữ nguyên mức giá như cũ”, anh Lâm giải thích.
Hiện tại, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sẽ diễn ra 10 ngày/lần, ngắn hơn so với trước đây là 15 ngày nên nhiều đơn vị vẫn phải nghe ngóng thêm mới thay đổi giá bán được.
Anh Nguyễn Trường, chủ một quán phở gà ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu giảm cũng chỉ hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các chi phí khác như nguyên liệu đầu vào, nhân công vẫn tăng cao và chưa có điểm dừng.
“Cách đây một tuần, thịt gà tăng thêm 10.000 đồng/kg là 130.000 đồng/kg, rau xanh cũng tăng giá do thời tiết xấu. Nhìn khách quan, chi phí đầu vào không giảm thì chúng tôi chưa thể giảm giá bán”, anh nói. Hơn nữa, giá xăng dầu đã giảm mạnh sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7 nhưng vẫn đứng ở mức rất cao.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc giảm giá xăng dầu sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tác động tích cực chưa đủ sâu khi giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao, đồng thời chưa rõ xu hướng về giá sắp tới có giữ ổn định hay lại tiếp tục tăng “nóng”. Thêm nữa, khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay, nhưng khi giá giảm lại luôn có độ trễ vì cần có thời gian để doanh nghiệp và hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, tiền lương.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để giá hàng hóa và dịch vụ biến động theo cơ chế thị trường, các cơ quan chức năng cần có tín hiệu và giải pháp giữ cho giá xăng dầu ổn định, không biến động thất thường, hoặc tiếp tục giảm, có như thế mới mang lại hiệu quả của việc giảm giá xăng dầu.