Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước sá xị cùng tên, vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 47 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của công ty cũng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ khi biên lãi gộp tăng từ 8% lên 23%.
Tuy nhiên, các khoản chi phí trong kỳ của công ty đồng thời tăng mạnh. Trong đó, các khoản làm tăng chi phí của Chương Dương tăng thêm nhiều nhất là tiền thuê đất, quảng cáo và tiền chi cho nhân viên.
Vì vậy, dù lợi nhuận gộp đã cải thiện đáng kể, Chương Dương vẫn lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý II. Mức lỗ này thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng lại tăng lên so với quý I.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty con của Sabeco đạt hơn 100 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ 2021 nhưng vẫn lỗ ròng 14 tỷ đồng.
Năm nay, Chương Dương đặt mục tiêu doanh thu 328 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 30% chỉ tiêu doanh số và vẫn lỗ. Kỳ kế toán vừa qua cũng đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp công ty này báo lỗ.
Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I của Pháp. Trước năm 1975, cơ sở này là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam với nhãn hiệu “sá xị con cọp”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, trong khi các đại gia quốc tế trong ngành nước giải khát đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, thương hiệu một thời được mệnh danh là “vua sá xị” chìm nghỉm giữa rừng các ông lớn. Vốn điều lệ hiện tại của Chương Dương vẫn chỉ vỏn vẹn 85 tỷ đồng.
Sá xị Chương Dương hiện là công ty con của Sabeco với 62% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam. Sau khi ThaiBev mua lại Sabeco cuối năm 2017, các nhân sự cấp cao phía doanh nghiệp tỷ phú Thái Lan cũng bắt đầu tiếp quản các công ty con, trong đó có Chương Dương.
Kết quả kinh doanh của “vua sá xị” một thời bắt đầu khởi sắc dần dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới người nước ngoài khi lãi lớn năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã bóp nghẹt nỗ lực của thương hiệu vang bóng một thời tại miền Nam nói trên khi công ty lại thua lỗ.